Giáo dục từ bậc tiểu học ở Úc hoàn toàn miễn phí, nhưng nhà trẻ vô cùng đắt đỏ
Ở Úc, trẻ em được khuyến khích phát triển khả năng tự chăm sóc bản thân và tính sáng tạo ngay từ khi đi nhà trẻ. Các bé được tham gia những hoạt động vui chơi theo nhóm và có thể học cả hai ngôn ngữ Anh-Việt cùng một lúc. Thế nhưng tiền giữ trẻ có thể chiếm một khoản lớn trong chi tiêu của gia đình. Cha mẹ Việt chuẩn bị đưa con đi childcare cần chuẩn bị những gì?
Chính phủ Úc trả một phần chi phí chăm sóc trẻ em thông qua gói phúc lợi Centrelink dành cho trẻ và các gói an sinh xã hội tại Úc.
Ngoài gia, các gia đình Úc cũng được hỗ trợ đến 50% chi phí giữ trẻ, trong giới hạn $7,500 đôla mỗi trẻ. Tuy nhiên chính phủ liên bang yêu cầu trẻ em phải được chích ngừa đầy đủ nếu cha mẹ muốn được nhận hỗ trợ này.
Để biết thêm thông tin về các gói phúc lợi dành cho trẻ em, truy cập trang mạng của Bộ dịch vụ Nhân sinh.
Hỗ trợ của chính phủ trong việc giữ trẻ
Muốn được lãnh Child Care Subsidy, gia đình phải đạt được các điều kiện về cư trú.
Dịch vụ giữ trẻ hợp lệ là dịch vụ đã được Chính phủ Úc chấp thuận để thay mặt các gia đình nhận khoản tiền trả cho chi phí gửi trẻ.
Phụ huynh có thể hỏi dịch vụ gửi trẻ xem họ có phải là dịch vụ hợp lệ để thay mặt gia đình nhận các khoản tiền chính phủ trả cho chi phí gửi trẻ.
Child Care Subsidy
Child Care Benefit là khoản trợ cấp phải qua trắc nghiệm lợi tức và thường được trả thẳng cho các dịch vụ gửi trẻ hợp lệ để giảm chi phí mà các gia đình hội đủ điều kiện phải trả.
Ai hội đủ điều kiện để được lãnh Child Care Subsidy?
Các yêu cầu về cư trú:
Cha/mẹ hoặc người bạn đời phải thường trú tại Úc và là Công dân Úc; hoặc Người có thị thực thường trú; hoặc Công dân Tân Tây Lan đã đến Úc với hộ chiếu Tân Tây Lan; hoặc Người có một số loại thị thực phụ tạm thời – Centrelink sẽ xác nhận tư cách hội đủ điều kiện;
Người có Criminal Justice Stay Visa, được đặc biệt cấp nhằm mục đích hỗ trợ thủ tục tư pháp hình sự liên quan đến tội vận chuyển người trái phép, nô lệ tình dục hoặc tuyển dụng lừa đảo.
Du học sinh ở ngoài nước Úc được Chính phủ Úc bảo lãnh; hoặc Người không phải là cư dân Úc bị túng bấn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.
Các yêu cầu khác phải hội đủ:
- Con quý vị phải được gửi ở dịch vụ giữ trẻ hợp lệ hoặc với người gửi trẻ đã đăng ký.
- Trẻ em từ 19 tuổi trở xuống phải đạt được các yêu cầu về tiêm chủng của Chính phủ Úc hoặc được miễn.
- Quý vị phải là người chịu trách nhiệm trả chi phí gửi trẻ.
Các loại hình giữ trẻ tại Úc
Long Day care – Giữ trẻ cả ngày
Đây là hình thức phổ biến nhất đối với các phụ huynh có con trước khi vào lớp Một (preschool). Loại hình này cung cấp dịch vụ giữ trẻ từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối. Cha mẹ có thể chọn cách thức đăng ký sử dụng dịch vụ giữ trẻ cả ngày hoặc nửa ngày và loại hình này thường tính phí theo ngày.
Theo Australian Institute of Family Studies, trong năm 2011, có khoảng 45% trẻ ở độ tuổi 2 – 3 tuổi được gửi theo hình thức này giữ trẻ cả ngày.
Family Day Care – Giữ trẻ gia đình
Đây là hình thức được chính phủ cấp chứng nhận, cung cấp dịch vụ giữ trẻ tại nhà. Hình thức này giúp trẻ được sinh hoạt trong một môi trường giống với gia đình nhiều hơn so với các trung tâm giữ trẻ cả ngày.
Đối với loại hình này, trẻ được xếp thành từng nhóm nhỏ hơn và thời gian giữ cũng ngắn hơn. Chi phí được tính theo tiếng hoặc theo nửa tiếng.
Theo một nghiên cứu của Nha Thống kê Úc (ABS) Childhood Education and Care cho thấy vào năm 2014 có 2.5% trẻ em Úc được gửi trông theo dịch vụ giữ trẻ gia đình.
Preschool/Kindergarten care – Mẫu giáo
Preschools (hay còn gọi là kindergarten), cung cấp chương trình giáo dục được thiết kế dành cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Tổ chức Preschool NSW đã khuyến khích các gia đình nên đưa trẻ đến tham gia lớp học này 2 năm trước khi bắt đầu học toàn thời tại trường.
Đối với hình thức này, trẻ không cần đến lớp mỗi ngày mà chỉ vài ngày trong tuần. Hầu hết các trung tâm dịch vụ này mở cửa từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chỉ trong các học kỳ.
Outside school hour care – Giữ trẻ ngoài giờ học
Những chương trình này thường liên kết với trường học và dành cho những học sinh lớn hơn đã đi học, nhưng vẫn cần được trông coi trước và sau giờ học hoặc trong thời gian nghỉ lễ.
Occasional Care – Giữ trẻ không thường xuyên
Qúy vị có thể tìm thấy loại hình dịch vụ này ở ngay khu vực quý vị đang sống hoặc tại các trung tâm cộng đồng. Đôi khi là do chính các phụ huynh phối hợp tổ chức. Số giờ giữ trẻ có thể bị giới hạn mỗi tuần áp dụng cho bất kỳ trẻ nào.
Liên hệ với hội đồng địa phương để tìm hiểu thêm thông tin về loại hình dịch vụ này.
At – home care – Giữ trẻ tại nhà
Loại hình này được chính phủ cấp ngân cấp nhằm hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn chăm sóc trẻ bị khuyết tật hoặc trẻ sống tại vùng hẻo lánh, hoặc những gia đình có từ 3 con trở lên cùng trong độ tuổi chưa đến trường.
Informal Care – Giữ trẻ không chính thức
Hình thức giữ trẻ này thường do ông bà, họ hàng, bạn bè, hàng xóm hoặc người trông trẻ đảm nhận. Chẳng hạn nếu quý vị là người ông/bà đang lãnh trợ cấp hưu trí và đang chăm sóc cháu toàn thời, cha mẹ có thể được nhận Grandparent Child Care Benefit – Trợ cấp giữ trẻ dành cho ông bà.
Kinh nghiệm lựa chọn childcare và giúp con hòa nhập môi trường mới
Chị Nguyễn Bảo Châu, một người mẹ có con gái 3 tuổi đang sống tại Melbourne cho biết chị đã có một kinh nghiệm “đau thương “ cùng con (bé Kayla Nguyen) tại childcare đầu tiên.
“Lúc mới quyết định cho con đi childcare, mình phân vân giữa cho con học gần nhà và con học gần chỗ làm. Mình chọn childcare gần nhà, vừa mới khai trương nên cơ sở vật chất còn mới. Thêm vào đó, childcare này mới mở nên vắng học sinh và không phải chờ đợi xếp lớp lâu. Mình nghĩ vắng học sinh nên cô chăm sóc con kỹ hơn”.
Sau đó chị Châu nhận ra bé Kayla không thích nghi ở môi trường mới khi bé luôn chuẩn bị sẵn túi và chờ mẹ đến đón mỗi cuối ngày thay vì tham gia một hoạt động nào trong lớp với bạn bè.
“Không những vậy, childcare này còn không có bếp riêng và đầu bếp. Các cô thay phiên nấu ăn cho bé nên thời gian dành cho các bé cũng giảm đi. Cô không phải là đầu bếp nên thức ăn không hấp dẫn, vừa miệng với con mình.
Khi bé trầy xước, té ngã, cách các cô giải quyết và trả lời khiến mình không hài lòng. Các cô không biết con mình bị thương vào lúc nào trong ngày”.
Ngày đầu con vẫn chơi với mình trong trường, ngày thứ hai mình qua phòng kế bên ngồi tách con ra khoảng một tiếng, ngày thứ ba mình tăng lên hai tiếng, ngày thứ tư là tiếng. Trong suốt tuần đó mình theo dõi và quan sát xem cách cô dạy con, cô chơi, các món ăn, cách cô chăm sóc các con như thế nào.
“Ngoài ra childcare này có nhiều sắc dân khác khiến bé cảm thấy bị cô lập. Có nhiều lý do khiến mình quyết định chuyển con đến một childcare khác”, chị Châu nói với SBS.
Theo chị Châu, việc tham gia học thử (orientation) cùng con rất quan trọng để quyết định childcare nào phù hợp và có những giá trị mà cha mẹ kỳ vọng.
“Bước học thử đối với mình khá quan trọng vì là thời gian mình xác định con mình có sẵn sàng đi học hay chưa, có người bạn mình cho con học thử một tuần, nhưng thấy con chưa sẵn sàng thì có thể hủy mà không mất tiền gì cả. Các mẹ khác chỉ cho con đi học thử một đến hai ngày thôi, riêng mình thì dành ra một tuần và ngày nào mình cũng đến childcare cùng con”.
“Ngày đầu đi học thử mình ở bên cạnh con để con quen với trường lớp thầy cô, đồng thời mình ở lâu để quan sát xem các cô đối xử với các bé khác thế nào. Mình tin là nếu mẹ ở từ sáng đến 2h chiều thì có thể nhận ra được tính cách và thái độ của các cô”.
“Ngày đầu con vẫn chơi với mình trong trường, ngày thứ hai mình qua phòng kế bên ngồi tách con ra khoảng một tiếng, ngày thứ 3 mình tăng lên 2 tiếng, ngày thứ tư 3 tiếng. Trong suốt tuần đó mình theo dõi và quan sát xem cách cô dạy con, cô chơi, các món ăn, cách cô chăm sóc các con như thế nào.
Như vậy tránh trường hợp bé bị phân biệt hay sợ đến lớp vì bị ăn hiếp. Các mẹ có thời gian ở trường nhiều thì sẽ biết được cô nào tốt hơn cô nào”, chị Châu nói với SBS.
Chị Bảo Châu cho biết sau một tuần học thử là bước vào ngày học chính thức từ sáng đến chiều, mẹ chuẩn bị cho bé một bộ quần áo, một cái mền, một bình nước và món đồ chơi (comforter) mà con yêu thích.
“Hãy dặn dò các cô thật cẩn thận nếu bé nhà bạn có yêu cầu đặc biệt về việc chăm sóc như dị ứng, eczema…Nếu bé nào bị eczema cần bôi kem gì thì các mẹ gửi kem cho cô và ghi chú đầy đủ, cô sẽ bôi dùm.
Các mẹ nên ở nhà đề phòng trường hợp bé gặp vấn đề như khóc quấy quá nhiều, không chịu ăn uống, bị sốc tâm lý vì xa mẹ, thì các cô sẽ gọi mẹ đón bé về sớm.
Ngày đầu con mình đi học, trường gọi bốn lần, cách một tiếng gọi một lần, vì con mình khóc hoài không chịu ăn, nhưng mình quyết tâm không đón sớm mà đúng 4h mới đón. Khi đón mình biết bé đói nên chuẩn bị sẵn đồ ăn để ra xe cho ăn ngay”.
Chị Bảo Châu cho biết thời gian đầu chị cho bé Kayla học hai ngày một tuần, sau hai tuần tăng lên ba ngày, và sau một tháng thì con đi học đã hết khóc khi chia tay mẹ, mặc dù đón về vẫn còn khóc.
Bên cạnh Long Day Care (các trung tâm giữ trẻ cả ngày), thì Family Day Care (giữ trẻ theo mô hình gia đình) là một hình thức khá phổ biến với nhiều mẹ Việt tại Úc.
Trong khi childcare thường chia lớp theo từng độ tuồi và có nhiều hoạt động chơi mà học cho bé, thì Family day care thường giữ các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau trong một phòng. Nhiều mẹ Việt chọn hình thức Family day care vì không phải chờ đợi quá lâu để con có chỗ học, chi phí rẻ hơn, có người chăm sóc nói tiếng Việt, nhận giữ trẻ theo giờ. Việc này phù hợp với những người mẹ chưa đi làm, và chưa nhận được trợ cấp giữ trẻ của Centrelink nhưng mong muốn con có môi trường tiếp xúc với bạn bè và làm quen với các hoạt động mới.
Đối với các bậc phụ huynh, có nhiều yếu tố quan trọng quyết định việc lựa chọn childcare như cơ sở vật chất, cô giáo, chi phí giữ trẻ và vị trí.
Tùy theo tính cách của bé, hoàn cảnh gia đình, độ tuổi và sự chăm sóc của cha mẹ mà bé sẽ hòa nhập ở childcare nhanh hay chậm. Thế nhưng, có một số yếu tố sẽ giúp con hòa nhập và thích đi học, tự tin hơn ở trường như: cha mẹ trò chuyện cùng con, tạo mối liên hệ gắn kết với cô giáo, đón con đúng giờ.
Childcare là môi trường xã hội để con học hỏi, va vấp và trưởng thành. Thay vì lo lắng thái quá, cha mẹ có thể tận dụng cơ hội này để dạy con các kỹ năng bảo vệ bản thân, tự chăm sóc, độc lập, kết bạn, giải quyết vấn đề và giao tiếp.
Theo SBS.